Pro/Engineer 5.0 dành cho người tự học

Mã sách: PRO_E010
Tên sách: Pro/Engineer 5.0 dành cho người tự học
Mô tả:
Pro Engineer là một trong những chương trình CAD/CAM/CAE chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế các sản phẩm cơ khí, cơ điện tử đã được đưa vào giảng dạy, học tập và sản xuất trong nhiều năm qua trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Sách được biên soạn dưới dạng các bài tập thực hành giúp người học mau chóng làm quen với giao diện chương trình. Người học sẽ vẽ, phân khuôn và gia công được các sản phẩm đơn giản, làm cơ sở để thiết kế các sản phẩm phức tạp hơn.
Thể loại: Pro Engineer
Nhà xuất bản: Giao Thông Vận Tải
Tác giả: TS. Lê Ngọc Bích – KS. Võ Duy Thanh Tâm – KS. Đỗ Lê Thuận
Khổ sách: 16 X 24 cm
Số trang: 320
Trọng lượng: 370 gam
Năm phát hành: 2011

Giá:

 68.000 VND

CDROM kèm theo: Không

Nội dung cuốn sách
Là phần mềm thiết kế theo tham số, Pro Engineer hỗ trợ rất tốt trong thiết kế khuôn nhựa. Người dùng có thể lập trình gia công cũng như giả lập gia công sản phẩm trên máy CNC qua màn hình máy tính.
Có thể nêu lên một số khả năng của chương trình như:
Thiết kế thông số, sử dụng cơ sở dữ liệu thống nhất
Mô hình hóa trực tiếp vật thể rắn
Tạo các module bằng các khái niệm và phần tử thiết kế.
Có khả năng mô phỏng động học, động lực học kết cấu cơ khí.
Các khả năng trình bày ở trên và nhiều hơn nữa có thể thực hiện dễ dàng nhờ vào các Module (phân hệ) chính của chương trình như sau:
Pro/DETAIL: Module tạo trực tiếp mô hình 3D của các bản vẽ thiết kế chuẩn cho phân xưởng và chế tạo. Trong đó đảm bảo liên kết 2 phía giữa các bản vẽ và module 3D.
Pro/DESIGN: Hỗ trợ thành lập mô hình 3D, sơ đồ khối, xây dựng kế hoạch thiết kế và mối quan hệ phụ thuộc, giúp cho sự phân tích nhanh và hiệu quả, cho phép sắp xếp phương án.
Pro/SHEETMETAL: Module hỗ trợ thiết kế những chi tiết có dạng tấm, vỏ, và hỗ trợ cho việc tạo lập các chi tiết phát triển, kể cả chuẩn bị chương trình cho máy NC sản xuất.
Pro/SURFACE: Module hỗ trợ vẽ, tạo các mặt tự do (Free Form), xử lý các mặt cong và bề mặt phức tạp.
Pro/ASSEMBLY: Tạo điều kiện thiết lập dễ dàng chi tiết vào hệ thống và dưới hệ thống. Hỗ trợ cho phần lắp ráp và lắp ráp nhóm, giải quyết tình huống xung đột, thiết kế thay đổi…
Pro/MANUFACTURING: Bao gồm dữ liệu cho máy NC, mô phỏng, format dữ liệu, thư viện các phần tử.
Pro/INTERFACE: Tạo điều kiện gắn với các hệ CAD khác qua các định dạng như: Iges, Dxf, Vdafs, Render, SLA…
Pro/PROJECT: Xác định để điều khiển dự án thiết kế và tổ hợp một số đội thiết kế và lập dự án.
Pro/MESH: Hỗ trợ tái tạo mạng lưới cho việc phân tích phần tử hữu hạn (FEA), xác định điều kiện biên, gắn liền với các chương trình ANSYS, PATRAN, NASTRAN, ABAQUS, SUPERTAB và COSMOS/M.
Pro/MECHANICA: Mô phỏng động học, kiểm nghiệm ứng suất, chuyển vị, biến dạng tuyến tính và phi tuyến, xác định và dự đoán khả năng phá hủy vật liệu…
Pro/FEATURE: Mở rộng khả năng thiết lập những phần tử thiết kế bằng thư viện của các bộ phận, nhóm, tái tạo các hình dạng chuẩn.
Pro/LIBRARY: Module chứa thư viện lớn của các phần tử trên chuẩn (chi tiết, phần tử thiết kế tiêu chuẩn, dụng cụ, khớp nối…), có thể bổ sung hoặc hiệu chỉnh.
Pro/VIEW: Module tạo điều kiện kiểm tra mô hình hóa chi tiết và hệ thống từ một hướng quan sát bất kì, phóng to, thu nhỏ ảnh để có cái nhìn nhanh, tổng thể để đạt được kết quả hoặc mục đích phòng ngừa.
Pro/DRAFT: Module hỗ trợ biểu diễn 2D, tạo điều kiện đọc bản vẽ của các hệ CAD khác và bổ sung module 3D về thiết kế thông số.
Pro/DEVELOP (Pro/PROGRAM): Module hỗ trợ việc lập trình ứng dụng riêng. Chứa các thư viện của hàm số C, thư viện chương trình con của ngôn ngữ lập trình FORTRAN và đặc biệt tiếp cận được với cấu trúc thiết lập các hệ thống và cấu trúc dữ liệu của hệ thống.
Pro/NLO: Module hỗ trợ cho công việc trong mạng cục bộ, hòa hợp với các module khác của hệ.
Pro/MOLD: Module thiết kế khuôn.
Pro/E không chỉ có các phân hệ được trình bày ở trên mà còn có các module Pro/CASTING, Pro/LEGACY, Pro/TOOLKIT, Pro/PiPe… và nhiều hơn nữa. Việc tìm hiểu và khai thác được hết các tính năng của các phân hệ này đòi hỏi phải có nhiều thời gian cũng như chuyên môn.

Nhằm đáp ứng yêu cầu bạn đọc có thể tự học, tiếp cận với chương trình Pro Engineer 5.0 trong thiết kế, phân khuôn đến gia công sản phẩm, chuyên đề “PRO ENGINEER WILDFIRE 5.0 DÀNH CHO NGƯỜI TỰ HỌC – TẬP 1” được biên soạn dưới dạng các bài tập thực hành để phục vụ cho giảng dạy, học tập, giúp người học mau chóng làm quen với giao diện chương trình.
SÁCH ĐƯỢC BIÊN SOẠN VỚI 10 BÀI TẬP:

Bài tập 1: Vẽ khối cơ bản
Bài tập hướng dẫn các bạn vẽ khối cơ bản được thực hiện bởi các lệnh như: tạo khối đùn, tạo khối cắt, bo tròn, vát cạnh. Hình trang bên minh họa chi tiết được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau và có đầy đủ kích thước giúp bạn thực hiện vẽ thuận lợi hơn.

Bài tập 2: Vẽ khối trụ
Trong bài tập này, các bạn sẽ được hướng dẫn vẽ chi tiết cơ khí đơn giản như hình dưới.

Bài tập 3: Vẽ bánh mâm kẹp chi tiết
Bài tập hướng dẫn vẽ bánh mâm kẹp với những lệnh như bài tập trước, nhưng việc tạo biên dạng phác thảo khó hơn. Ngoài ra, các bạn cũng sẽ được hướng dẫn đổ màu và trình bày chi tiết trong một phông nền có sẵn. Hình dưới là kết quả cuối cùng của sản phẩm.

Bài tập 4: Vẽ nắp kẹp
Bài tập hướng dẫn các bạn thiết kế chi tiết cơ khí thông dụng như hình.

Bài tập 5: Vẽ ghế nhựa
Hướng dẫn các bạn vẽ chi tiết ghế nhựa như hình dưới từ các công cụ và lệnh như: Rectangle (tạo biên dạng chữ nhật), Extrude (tạo khối), Draft Tool (tạo mặt nghiêng cho khối), Circula (bo tròn góc giữa các cạnh), v.v.

Bài tập 6: Vẽ lò xo
Các bạn được hướng dẫn vẽ lò xo nhanh và dễ với Helical Sweep- là lệnh chuyên dùng để thiết kế các dạng đường xoắn như: lò xo, đường xoắn vít, đường xoắn ốc… Khi sử dụng lệnh này, các thông số được hiệu chỉnh trực tiếp trên bảng thuộc tính.

Bài tập 7: Thiết kế nắp ổ cắm điện
Bài tập hướng dẫn thiết kế nắp ổ cắm điện. Sau khi thiết kế xong, các bạn sẽ được hướng dẫn phần phân khuôn và gia công khuôn. Hình dưới là kết quả sau khi thiết kế sản phẩm hoàn chỉnh nhìn từ mặt trên và mặt dưới của sản phẩm.

Bài tập 8: Phân khuôn ổ cắm điện
Các bạn sẽ được hướng dẫn phân khuôn ổ cắm điện đã được thực hiện trong bài tập trước. Hình dưới là kết quả sau khi phân khuôn ổ cắm điện với các hướng nhìn giúp hình dung sản phẩm dễ dàng hơn.

Bài tập 9: Gia công khuôn ổ cắm điện (khuôn trên)
Sau khi đã tìm hiểu cách phân khuôn, các bạn sẽ được hướng dẫn phần gia công khuôn. Sau đó, thực hiện quá trình phân khuôn trên để cho ra phần khuôn gia công. Trong phần này chỉ hướng dẫn gia công một bên sản phẩm là khuôn trên.

Bài tập 10: Gia công khuôn ổ cắm điện (khuôn dưới)
Sau khi đã gia công khuôn trên ổ cắm điện, các bạn tiến hành thực hiện tiếp gia công khuôn ổ cắm điện (khuôn dưới).

Leave a Reply

Your email address will not be published.